Tuyên truyền về ngộ độc thực phẩm và cách thức lựa chọn thực phẩm tươi

ỦY BAN NHÂN DÂN 

PHƯỜNG 1, QUẬN 6, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Thứ 4, 08/01/2025 08:22 am

Từ ngày 01/01/2025, Phường 1, Phường 3, Phường 4 - Quận 6 được sắp xếp thành Phường 1. Trụ sở Ủy ban nhân dân Phường 1 tại địa chỉ số 148 Phạm Văn Chí, Phường 1, Quận 6.

Thực phẩm là nguồn cung cấp dinh dưỡng hàng ngày cho cơ thể, giúp cơ thể khoẻ mạnh, chống lại các nguy cơ của bệnh tật đang có mặt ở khắp nơi trong môi trường; giúp người ta hoạt động và làm việc. 

Việc đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược chăm sóc, bảo vệ sức khỏe con người và còn là quyền cơ bản của mỗi người dân; an toàn thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, phát triển giống nòi, tăng cường nguồn lực con người, là nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ đắc lực cho việc giảm nghèo bền vững ở mỗi địa phương, quốc gia.

Theo Cục vệ sinh an toàn thực phẩm - Bộ Y tế, các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ngộ độc là do vi sinh vật, hoá chất, độc tố tự nhiên và do thức ăn hư hỏng, biến chất. Các tác nhân trên đều có thể xảy ra qua đường ăn uống, chế biến và bảo quản thực phẩm. Những nơi có nguy cơ cao để xảy ra mất vệ sinh an toàn thực phẩm là các cơ sở kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố, cơ sở phục vụ bữa ăn tập thể không được cấp phép, quán ăn vỉa hè.

Nhằm mục đích tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ủy ban nhân dân phường 4 gửi đến nhân dân trên địa bàn bài tuyên truyền về ngộ độc thực phẩm với các nội dung như sau:
I.  NGỘ ĐỘC THỰC PHẨ
M

1. Định nghĩa: “Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý do hấp thụ thực phẩm bị ô nhiễm hoặc có chứa chất độc bao gồm ngộ độc cấp tính và ngộ độc mãn tính

2.  Xử lý khi có ngộ độc thực phẩm:
- Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, phải đình chỉ việc sử dụng và niêm giữ toàn bộ thức ăn đó lại (kể cả chất nôn, phân, nước tiểu…) để xác minh, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất đến xử trí kịp thời hoặc đưa người bị ngộ độc đi bệnh viện.
- Vệ sinh, tẩy uế khu vực có chất nôn, phân, nước tiểu của người bị ngộ độc thực phẩm và thực hiện chế độ cách ly nghiêm ngặt đề phòng sự lây lan của dịch bệnh.
- Thường xuyên thực hiện các biện pháp diệt ruồi, nhặng, gián, chuột… và các hướng dẫn vệ sinh phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của ngành y tế.

II. YÊU CẦU ĐỐI VỚI CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH THỰC PHẨM

Địa điểm, môi trường: Có đủ diện tích. Không bị ngập nước, đọng nước. Không bị ảnh hưởng bởi động vật, côn trụng, vi sinh vật gây hại. Không bị ô nhiễm từ các nguồn ô nhiễm khác.

Thiết kế bố trí nhà xưởng: Bố trí quy trình theo nguyên tắc 1 chiều;Thiết kế tách biệt giữa các khu vực;Đường nội bộ phải đảm bảo vệ sinh; Cống rảnh phải che kín, khai thông thường xuyên; Phải có khu vực tập kết rác thải nằm ngoài khu vực sản xuất, chế biến.

III. YÊU CẦU ĐỐI VỚI NGƯỜI TIÊU DÙNG

*Đối với người tiêu dùng: Trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình thường dùng một lượng lớn thực phẩm gồm nhiều loại: từ thịt, cá, rau, quả đến các loại đồ ăn chế biến sẵn...Vì vậy nên chọn mua những thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, xem kỹ thời hạn sử dụng, có dấu kiểm nghiệm của Y tế và cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

1. Lựa chọn thịt: Không sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, bị tiêu hủy để sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Không sản xuất, kinh doanh thịt hoặc sản phẩm được chế biến từ thịt chưa qua kiểm tra thú y hoặc đã qua kiểm tra nhưng không đạt yêu cầu;

2. Lựa chọn cá tươi:

Mắt: hai mắt sáng.

Mang cá: đỏ tươi hoặc hồng.

Vảy và da: vảy xếp chặt vào nhau và sáng bóng, bề mặt da không xuất hiện chấm đen thâm.

Thịt cá: đàn hồi, rắn chắc, không để lại vết lõm khi ấn vào thịt cá

Miệng cá: thường ngậm kín.

3. Lựa chọn tôm tươi:

 •Thân phải săn chắc, vỏ còn cứng, màu trắng trong chứ không đục hay ngả sang đỏ, vàng.
 •Phần đầu dính chặt vào thân, các càng vẫn còn nguyên, không có mùi tanh, ươn

4. Lựa chọn rau quả tươi:

•Hình dáng bên ngoài: Còn nguyên vẹn, lành lặn, không dập nát trầy xước, thâm nhũn ở núm cuống.
•Màu sắc: màu tự nhiên của rau quả, không úa, héo.
•Sờ - nắm:  Cảm giác nặng tay, dòn chắc.
•Không có dính chất lạ: Rất nhiều loại rau quả còn dính hoá chất bảo vệ thực vật trên lá, cuống lá, cuống quả….có các vết lấm tấm hoặc vết trắng.
•Mùi: Không có mùi lạ. Nếu lượng HCBVTV tồn dư nhiều, ngửi thấy mùi hắc, mùi HCBVTV.
•Với quả: Có một số loại được ngâm tẩm chất bảo quản độc hại, nhìn ngoài vẫn có mầu tươi đẹp, nhưng núm cuống hoặc thâm nhũn, hoặc còn dính HCBVTV, khi bổ ra hoặc khi bóc vỏ thấy biến mầu giữa lớp vỏ và thịt quả.

5. Lựa chọn thực phẩm bao gói sẵn

1. Phải xem nhãn mác với đẩy đủ các nội dung sau:

- Tên thực phẩm

- Tên, địa chỉ thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá.

-  Định lượng của thực phẩm.

-  Thành phần cấu tạo

- Chỉ tiêu chất lượng chủ yếu

- Ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản

- Hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng

- Xuất xứ của hàng hoá

2. Nên mua ở các cửa hàng tín nhiệm: quen thuộc, siêu thị… những nơi chấp hành đẩy đủ các điều kiện kinh doanh thực phẩm vệ sinh an toàn.

3. Không nên mua:

- Ở những cửa hàng, quán hàng bụi, bẩn, ẩm ướt, nóng, nắng.

- Ở những nơi bày bán lẫn lộn tạp chất, hoá chất, sản phẩm có mùi như xà phòng, bột giặt, mỹ phẩm…

Để tích cực phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, các cá nhân, hộ gia đình, các tổ chức kinh doanh về thực phẩm cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm. Mọi người, mọi nhà cần tích cực, chủ động giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm đảm bảo an toàn sức khoẻ cho bản thân, gia đình và xã hội./.

 

 
Tin liên quan:
Bản đồ hành chính
Văn bản pháp luật
Công báo
1022
cđs
Tiến độ triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15
Chính sách vay vốn
Trung tâm dự báo KTTV
Tin tức - sự kiện
Liên kết nhanh